Bối cảnh của sự kiện Sự kiện năm 1956 ở Hungary

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) kết thúc, quân đội Liên Xô chiếm đóng Hungary và dần thay thế chính phủ liên minh được nhân dân bầu lên do Đảng Dân sự và Công nhân Nông nghiệp, Tiểu chủ Độc lập lãnh đạo bằng Đảng Cộng sản Hungary.[11] Sự quốc hữu hoá triệt để nền kinh tế dựa theo mô hình của Liên bang Xô viết đã gây ra tình trạng trì trệ, tiêu chuẩn sống thấp đi và bất bình sâu sắc.[12] Các nhà văn và các nhà báo là những người đầu tiên lên tiếng chỉ trích công khai, cho xuất bản những bài báo bất đồng quan điểm vào năm 1955.[13] Tới ngày 22 tháng 10 năm 1956, các sinh viên Đại học Kỹ thuật phục hồi lại Liên minh sinh viên MEFESZ bị cấm đoán,[14] và dự tính một cuộc tuần hành ngày 23 tháng 10, dẫn tới một loạt các sự kiện trực tiếp đưa tới cuộc nổi dậy tại Cộng hòa Nhân dân Hungary.

Chiếm đóng thời hậu chiến

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), Hungary là đồng minh của nước Đức Quốc xã. Từ tháng 7 năm 1941, Hungary tự coi mình ở trong tình trạng chiến tranh với Liên Xô và Quân đội Hungary đã tham chiến phía Quân đội Đức Quốc xã trên Mặt trận Xô-Đức.[15] Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hungary nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên bang Xô viết, và Quân đội Liên Xô đóng quân tại Hungary thực hiện chế độ quân quản như đối với nước Đức Quốc xã.[16] Trong khi Quân đội Liên Xô đang tấn công Quân đội Đức Quốc xã ở khu vực Budapest, ngày 21 tháng 12 năm 1944, Quốc hội lâm thời Hungary đã nhóm họp và thành lập chính phủ lâm thời ở Debresel đối lập với chính quyền Salasy thân Đức ở Budapest. Ngày 20 tháng 1 năm 1945, Nguyên soái Liên Xô Kliment Yefremovich Voroshilov theo ủy quyền của các chính phủ Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô đã nhân danh các nước đồng minh chống phát xít ký kết Hiệp ước đình chiến với chính phủ lâm thời Hungary ở Debresel. Điều 12 của hiệp ước này quy định Hungary phải bồi thường một phần những thiệt hại mà Hungary gây ra trong chiến tranh cho Liên bang Xô viết, Tiệp Khắc và Nam Tư trị giá 300 triệu đô la Mỹ, trả bằng hàng hóa trong 6 năm.[17]

Hungary bắt đầu giai đoạn hậu chiến theo mô hình nhà nước dân chủ đa đảng. Cuộc bầu cử năm 1945 đã mang lại một chính phủ liên minh của ba đảng: Đảng Dân sự, Công nhân Nông nghiệp và Tiểu chủ Độc lập dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Zoltán Tildy.[18] Tuy nhiên, Đảng Cộng sản (dưới quyền Rakósi Mátyás và Gerő Ernő) được Liên Xô hỗ trợ, vốn chỉ nhận được 17% phiếu bầu, liên tục đòi hỏi những nhượng bộ nhỏ trong một quá trình được gọi là "chiến thuật xúc xích", loại bỏ dần ảnh hưởng của chính phủ liên minh.[19]

Phía Liên Xô yêu cầu phải có Đảng Cộng sản tham gia vào chính phủ liên minh,[20] trong đó, những đảng viên Đảng Cộng sản nắm giữ các vai trò chủ chốt, còn Zoltán Tildy trở thành Tổng thống.[21] Bộ trưởng Nội vụ László Rajk (người của Đảng Cộng sản) đã thành lập Cảnh sát An ninh Nhà nước Hungary (Államvédelmi Hatóság, sau này được gọi là ÁVH), sử dụng các biện pháp đe doạ, buộc tội giả, bỏ tù và tra tấn, để trấn áp những người đối lập chính trị.[22] Giai đoạn dân chủ đa đảng ngắn chấm dứt khi Đảng Cộng sản sáp nhập với Đảng Dân chủ Xã hội để trở thành Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungary, với danh sách ứng cử viên không có đối lập từ năm 1949. Sau đó nhà nước Cộng hoà Nhân dân Hungary được tuyên bố thành lập.[11]

Tới năm 1949, Hungary tham gia cùng với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác trong Hội đồng tương trợ kinh tế. Cũng trong năm 1949, một hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ được ký kết giữa Hungary và Liên Xô cho phép quân đội Liên Xô được tiếp tục đóng quân ở Hungary, đảm bảo sự thống trị tuyệt đối về chính trị của Liên Xô. Đến năm 1955, Hungary tham gia Tổ chức hiệp ước Warszawa, một tổ chức quân sự đối lập với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).[23]

Chính sách chính trị và kinh tế của Rákosi Mátyás

Hungary trở thành một nhà nước theo thể chế Xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo chuyên chính khắt khe của Thủ tướng Rákosi Mátyás.[24] Cảnh sát An ninh (ÁVH) bắt đầu một loạt các cuộc thanh trừng hơn 7000 người phản đối - tức những người bị chụp cho cái mũ là "theo Chủ nghĩa Tito" hay "điệp viên phương Tây", và bị buộc phải thú tội trong những phiên xử án điểm, sau đó họ bị đưa tới một trại ở phía đông Hungary.[25][26]

Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Hungary cũng nhiều lần làm không đúng nguyên tắc tập trung dân chủ mà Đảng Lao động Hungary đề xướng.[5] Từ năm 1950 tới năm 1952, Cảnh sát An ninh đã bắt bớ hàng nghìn người để giành lấy tài sản và nhà ở cho các thành viên của Đảng Nhân dân Lao động, và loại bỏ mối đe doạ của tầng lớp trí thức và 'tư sản'. Hàng nghìn người bị bắt giữ, tra tấn, xét xử và bỏ tù trong các trại tập trung, bị trục xuất sang phía đông, hay bị hành quyết, gồm cả người sáng lập ÁVH là László Rajk.[25][27] Chỉ trong một năm, hơn 26.000 người bị buộc phải rời khỏi Budapest. Vì thế, công việc và nhà cửa rất khó kiếm. Những người bị trục xuất nói chung phải trải qua các điều kiện sống kinh khủng, và bị cưỡng bức làm lao động nô lệ tại các nông trang hợp tác xã. Nhiều người chết vì các điều kiện sống và dinh dưỡng kém.[26]

Chính phủ Mátyás chính trị hoá hoàn toàn hệ thống giáo dục Hungary nhằm thay thế các tầng lớp giáo dục bằng một tầng lớp "trí thức lao động".[28] Việc học tiếng Nga và định hướng chính trị Cộng sản bị bắt buộc tại các trường học và đại học trên cả nước. Các trường tôn giáo bị quốc hữu hoá và các lãnh đạo Giáo hội bị thay thế bởi những người trung thành với chính phủ.[29] Năm 1949 lãnh đạo Giáo hội Ki-tô giáo Hungary, Hồng y Giáo chủ József Mindszenty, bị bắt giữ và kết án tù chung thân vì tội phản bội.[30] Dưới sự lãnh đạo của Mátyás, chính phủ Hungary trở thành một trong những chính phủ hà khắc nhất ở châu Âu.[11][31]

Nền kinh tế Hungary thời hậu chiến gặp rất nhiều khó khăn. Theo điều 12 của Hiệp định đình chiến vào ngày 20 tháng 1 năm 1945, Hungary đồng ý trả bồi thường chiến tranh xấp xỉ 300 triệu đô la Mỹ bằng hàng hóa cho Liên Xô, Tiệp Khắc và Nam Tư trong 6 năm.[32] Đến năm 1951, tất cả các khoản bồi thường đã được thanh toán xong. Ngân hàng Quốc gia Hungary năm 1946 ước tính chi phí cho việc bồi thường là "từ 19 đến 22% thu nhập quốc gia hàng năm."[33] Năm 1946, đồng tiền tệ của Hungary bị giảm giá mạnh, dẫn tới một tỷ lệ siêu lạm phát chưa từng thấy trong lịch sử.[34] Sự tham gia của Hungary vào khối COMECON (Hội đồng Tương trợ Kinh tế) do Liên Xô bảo trợ, khiến nước này không thể thực hiện quan hệ thương mại với phương Tây hay nhận viện trợ từ Kế hoạch Marshall.[35] Dù thu nhập trên đầu người của quốc gia có tăng trong thời kỳ đầu thập niên 1950, tiêu chuẩn sống suy giảm. Những khoản khấu trừ thu nhập lớn để chi cho việc đầu tư vào công nghiệp làm tiêu chuẩn sống sụt giảm; quản lý kém tạo ra sự thiếu hụt kinh niên với những mặt hàng thực phẩm thiết yếu dẫn tới việc phải phân phối bánh mì, đường, bột mì và thịt theo tem phiếu.[36] Việc bắt buộc mua trái phiếu nhà nước càng làm giảm thu nhập cá nhân. Kết quả là thu nhập thực tế của công nhân và người lao động năm 1952 chỉ bằng hai phần ba mức năm 1938, trong khi năm 1949, tỷ lệ này là 90%.[37] Những chính sách đó tạo ra một hậu quả xấu, và càng làm tăng sự bất bình khi nợ nước ngoài gia tăng và dân chúng phải chịu sự thiếu hụt hàng hoá.[12]

Các sự kiện quốc tế

Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov

Ngày 5 tháng 3 năm 1953, lãnh tụ Iosif Vissarionovich Stalin qua đời, dẫn tới một giai đoạn tự do có mức độ trong đó hầu hết các đảng cộng sản châu Âu đều phát triển một phái cải cách. Tháng 6 năm 1953, các nhà lãnh đạo Hungary được mời sang Moskva và đích thân lãnh tụ Liên bang Xô viết đã yêu cầu Mátyás nhường chức Thủ tướng cho Nagy Imre.[38] Nhà cải cách Nagy Imre thay thế Rákosi Mátyás, "Học trò ưu tú nhất người Hungary của Stalin", làm Thủ tướng.[39] Tuy nhiên, Rákosi Mátyás vẫn là Tổng bí thư Đảng, và có khả năng hạn chế hầu hết các biện pháp cải cách của Imre. Tới tháng 4 năm 1955, do không chịu bị mất quyền, ông loại Imre khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng và chức vụ Thủ tướng làm Nagy bị mất tín nhiệm và bị tước bỏ chức vụ.[40] Sau bài "phát biểu bí mật" của Nikita Sergeyevich Khrushchyov vào tháng 2 năm 1956, lên án Stalin và những người được ông bảo hộ,[41] Mátyás bị hạ bệ khỏi chức vụ Tổng bí thư Đảng và được thay thế bởi Gerő Ernő ngày 18 tháng 7 năm 1956,[42] nhưng có tài liệu cho là ngày 21 tháng 7 năm 1956.[38]

Ngày 14 tháng 5 năm 1955, Liên bang Xô viết lập ra Khối hiệp ước Warszawa, trói buộc Hungary vào Liên Xô và các quốc gia vệ tinh của họ ở Trung và Đông Âu. Trong số những nguyên tắc của tổ chức này có việc "tôn trọng độc lập và chủ quyền của các quốc gia" và "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".[43]

Năm 1955, Hiệp ước Nhà nước Áo và tuyên bố sau của Áo thiết lập Áo thành một nhà nước phi quân sự và trung lập.[44] Điều này làm dấy lên hy vọng của người Hungary rằng họ cũng có thể trở thành một quốc gia trung lập và vào năm 1955 Nagy Imre đã xem xét "...khả năng Hungary chấp nhận một vị thế trung lập theo hình mẫu Áo".[45] Sự trung lập của Áo đã làm thay đổi những tính toán của kế hoạch quân sự của cuộc chiến tranh Lạnh bởi vị trí địa lý phân chia Liên minh NATO từ Geneva tới Viên của nó, vì thế càng làm tăng tầm quan trọng chiến lược của Hungary với Khối hiệp ước Warszawa.

Tháng 6 năm 1956, một cuộc bạo động của công nhân Ba Lan diễn ra tại Poznań đã bị chính phủ trấn áp, với hàng chục người bị chết và bị thương. Trước yêu cầu của quần chúng, vào tháng 10 năm 1956, chính phủ đã chỉ định nhà cải cách cộng sản mới được hồi phục Władysław Gomułka làm Bí thư thứ nhất của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan, với trách nhiệm đàm phán sự nhượng bộ thương mại rà giảm quân số với chính phủ Liên Xô. Sau một vài ngày đàm phán căng thẳng, ngày 19 tháng 10 cuối cùng Liên Xô đồng ý các yêu cầu cải cách của Gomułka.[46] Những tin tức về những điều khoản nhượng bộ mà người Ba Lan giành được - được gọi là Tháng 10 Ba Lan - đã khiến nhiều người Hungary hy vọng về những nhượng bộ tương tự cho Hungary và những tình cảm đó góp phần quan trọng vào không khí chính trị sôi nổi ở Hungary ở nửa sau tháng 10 năm 1956.[47]

Bất ổn xã hội

Trước những sai lầm của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Hungary, nhân dân Hungary trở nên phẫn nộ.[5] Sự từ chức của Mátyás vào tháng 7 năm 1956 đã khuyến khích sinh viên, các nhà văn và nhà báo trở nên sôi nổi và mạnh dạn chỉ trích chính trị hơn. Các sinh viên và nhà báo khởi động một loạt các diễn đàn trí thức phân tích các vấn đề Hungary đang phải đối mặt. Những diễn đàn đó, được gọi là các nhóm Petõfi, trở nên rất nổi tiếng và thu hút hàng nghìn người tham gia.[48] Ngày 6 tháng 10 năm 1956, László Rajk - người từng bị hành quyết dưới chính phủ Mátyás, được chôn cất lại trong một buổi lễ càng làm gia tăng sự chống đối với Đảng Cộng sản.[49]

Ngày 16 tháng 10 năm 1956, các sinh viên đại học tại Szeged bác bỏ hội sinh viên cộng sản chính thức, DISZ, bằng cách lập nên MEFESZ (Hội Sinh viên Đại học và Hàn lâm Hungary), một tổ chức sinh viên dân chủ, trước đó đã bị cấm đoán trong thời kỳ Mátyás cầm quyền.[14] Trong vài ngày, các hội sinh viên tại Pécs, Miskolc, và Sopron cũng được thành lập. Ngày 22 tháng 10, các sinh viên tại Đại học Kỹ thuật biên soạn một danh sách mười sáu điểm gồm nhiều yêu cầu về chính sách quốc gia.[50] Sau khi sinh viên biết rằng Hội Nhà văn Hungary có kể hoạch biểu tình thể hiện sự đoàn kết với các phong trào ủng hộ cải cách ở Ba Lan vào ngày hôm sau bằng cách đặt vòng hoa tại tượng Tướng Bem, một anh hùng của cuộc chiến tranh giành độc lập Hungary (1848 – 1849), người gốc Ba Lan, các sinh viên quyết định tổ chức một cuộc tuần hành ủng hộ.[47][51]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự kiện năm 1956 ở Hungary http://www.isn.ethz.ch/php/documents/collection_wa... http://www.bartleby.com/63/86/186.html http://www.britannica.com/eb/article-219206/social... http://sportsillustrated.cnn.com/events/1996/olymp... http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/guides/debate... http://www.eurozine.com/articles/2006-10-25-auer-e... http://www.flickr.com/photos/dbforum/sets/72057594... http://www.historicaltextarchive.com/books.php?op=... http://www.historicaltextarchive.com/books.php?op=... http://www.historicaltextarchive.com/books.php?op=...